|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Xương Giang là tên một ngôi thành cổ nằm ở phía Đông Bắc của thành phố Bắc Giang, cách cầu sông Thương 3km. Xưa kia thành Xương Giang thuộc xã Đông Nham, tổng Thọ Xương. Do nằm ở vị trí cuối xã nên thành Xương Giang về phía Đông Bắc giáp xã Tân Dĩnh (huyện Lạng Giang); phía Đông Nam giáp xã Dĩnh Kế (thành phố Bắc Giang), phía Tây là cánh đồng Và và đồng Sân Đu, phía Bắc là làng Thành cùng xã Xương Giang.

Bia ghi dấu tích cửa Bắc thành Xương Giang

Theo các tài liệu và thư tịch ta được biết, sau khi xâm lược nước ta, nhà Minh lập các sở vệ và cho xây đắp các thành luỹ ở các nơi xung yếu để phòng thủ. Thành Xương Giang được xây dựng trong thời gian này, vào năm 1407 khi nhà Minh thành lập Xương Giang Vệ. Nó trở thành trị sở của phủ Lạng Giang, bao gồm các huyện Lạng Giang (Bảo Lộc cũ), Yên Dũng, Yên Thế, Lục Ngạn của tỉnh Bắc Giang, Hữu Lũng tỉnh Lạng Sơn và là thành luỹ kiên cố nhất của giặc án ngữ trên con đường dịch trạm nối Quảng Tây (Trung Quốc) với Đông Quan. Đây là ngôi thành khá lớn được xây dựng trên một vùng đất cao mà dưới chân các ngọn đồi thấp là những dòng chi lưu của sông Thương, mang tên sông Cầu Đỏ, sông Cầu Thảo. Thành được đắp bằng đất hình chữ nhật. Chiều dài nằm theo hướng đông tây đo được 600m, chiều rộng nằm theo hướng bắc nam đo được 450m. Diện tích chừng 27ha (tương đương gần 70 mẫu Bắc bộ). Tường thành đắp bằng đất cao và dày. Bốn góc đắp bốn pháo đài cao hơn mặt thành khoảng 4m. Phía ngoài thành có hào sâu bao bọc. Hiện nay còn dấu tích thành mà chân thành phía Đông Bắc vẫn còn rộng đến 25m. Mặt thành còn lại có chỗ rộng tới 20m và cao hơn mặt ruộng tới 4m. Riêng bờ thành phía Tây hầu như bị san lấp hoàn toàn. Dãy hào bao bọc quanh thành hiện đã bị san lấp làm ruộng gần hết. Tuy nhiên, dấu vết còn lại vẫn rộng tới 15m và sâu tới 1m. Thành gồm bốn cửa trông theo 4 hướng. Cửa chính trông về hướng Tây, nay chỉ còn lại cửa phía Đông. Ở mỗi cửa có một ruộng tròn, rộng tới hơn 1 sào, sâu đến ngang vai, nhân dân vẫn gọi là "đấu đong quân". Đường thoát nước của thành chảy qua cửa phía Nam và cửa phía Tây.

Trong thành phân chia ra từng khu vực, sở chỉ huy, doanh trại, kho lương, trại giam… Trong khu nội thành hiện nay vẫn còn lại nhiều gò đất cao thấp khác nhau, cao hơn cả là khu "đồi quân (hay Vua) Ngô" nằm hơi chếch về phía Đông Bắc. Chu vi chừng 300m thuộc đất của làng Hà Vị (được chia sau khi giải phóng thành). Các kho lương thực vũ khí, trại quân được xây dựng quanh khu "đồi quân Ngô" sát bờ thành phía Bắc. Điều này được xác định bởi trong quá trình canh tác, nhân dân địa phương còn đào được khá nhiều thóc gạo cháy thành than, những chân đá tảng lớn, những viên đạn đá các loại với những kích thước to nhỏ khác nhau, đường kính từ 3cm đến 12cm. Những hiện vật này đang được Bảo tàng địa phương lưu giữ. Đạn đá tìm được nhiều nhất ở góc Đông Bắc và Tây Bắc của thành, nằm lẫn trong đám than tro ngay cạnh chân thành. Cùng với những viên đạn đá còn phát hiện những hòn kê chân cột cũng bằng đá. Số lượng hòn kê khá nhiều xếp thành hàng lối, bao gồm nhiều loại to nhỏ khác nhau. Những hòn kê làm bằng đá muối hoặc đá vôi hình hộp chữ nhật có kích thước chiều dài từ 60 cm đến 100 cm, chiều rộng 40 – 50 cm, dày 30 – 40 cm. Ngoài ra, trong thành còn khá nhiều hiện vật bằng đất nung như gạch, ngói, sành, sứ…

Gạch tìm thấy khá nhiều trên mặt thành, trong tường thành và cả ở những lớp đất trong ngoài thành. Những viên gạch tìm thấy gồm nhiều loại to nhỏ khác nhau, hình dạng cũng khác nhau, thường có màu đỏ hoặc màu sám. Các viên gạch thường không có hoa văn. Những viên gạch này thuộc thời Lê, thường tìm thấy ở các di tích Lam Sơn (Thanh Hóa), Chi Lăng (Lạng Sơn). Những viên gạch tìm thấy trong thành Xương Giang chính là của các công trình kiến trúc được xây dựng trong thành.

Qua những dấu tích còn lại trên cho phép chúng ta khẳng định thành Xương Giang là một di tích lịch sử quan trọng. Nơi đây trước khi có thành đã là một điểm hội cư lớn từ thời đại Lý - Trần với những dinh thự đã bị phá hủy. Ngoài ra, nhiều di vật khác cho thấy ngay từ những thế kỷ đầu Công nguyên và suốt thời gian thống trị nước ta, bọn phong kiến phương Bắc đã chiếm giữ vùng Xương Giang. Đến khi quân Minh xâm lược, chúng đã cho xây dựng ngôi thành ngay trên khu phế tích xưa của thời Lý - Trần. Và lớp đất cư trú thời Lý - Trần đã được đào xới lên để đắp thành dẫn đến hiện tượng các hiện vật thuộc nhiều thời đại nằm chồng chất lên nhau. Mặc dù vậy dấu vết ngôi thành cùng với những di vật được tìm thấy là những chứng tích về một thời kỳ lịch sử oanh liệt: “Thời kỳ vây hãm, hạ thành Xương Giang tiến lên tiêu diệt toàn bộ đạo viện binh của nhà Minh năm 1427. Kết thúc thắng lợi cuộc chiến tranh giải phóng đất nước đầu thế kỷ XV của dân tộc ta.

Với ý nghĩa lịch sử đó, ngày 22-01-2009, Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch đã có Quyết định số 293/QĐ-BVHTT-DL xếp hạng thành Xương Giang là di tích lịch sử chiến thắng Xương Giang cấp Quốc gia. Tại đây có 14 điểm di tích là: Cửa Đông Bắc, cửa Đông, cửa Bắc, cửa Tây Nam, cửa Nam, khu trung tâm, dấu vết thành, đoạn sông Xương Giang chảy qua thành; địa điểm khai quật khảo cổ học số 2, 3, giếng Phủ, đền Thành và 2 điểm ngoài khu bảo vệ là: cửa Đông Nam, cửa Tây. Các điểm di tích được bảo vệ nằm rải rác ở các vị trí xen kẽ là khu dân cư các thôn Đông Giang, Nam Giang, Trại Bắc thuộc xã Xương Giang.

Hiện nay, UBND thành phố Bắc Giang đang triển khai thực hiện giai đoạn một Dự án Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích lịch sử chiến thắng Xương Giang. Quần thể khu di tích bao gồm tượng đài chiến thắng Xương Giang, Nhà lưu niệm, Quảng trường…

Trung bình (0 Bình chọn)