Chỉ còn ít thời gian nữa là bước sang năm mới 2023. Nhìn lại một năm đã qua, Đảng bộ,chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Giang vui mừng, phấn khởi với những kết quả đạt được, đồng thời rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), qua đó khắc phục những mặt hạn chế, yếu kém còn tồn tại, đưa Bắc Giang tiếp tục phát triển trong những năm tới.

Năm 2022, cùng với cả nước, tỉnh Bắc Giang tiếp tục đối mặt với những thuận lợi, khó khăn, thách thức đan xen. Những thuận lợi và khó khăn đó đã tác động sâu sắc đến tình hình KT-XH của tỉnh và mọi mặt của đời sống Nhân dân.

Những tháng đầu năm, dịch COVID-19 tiếp tục lan rộng trên cả nước với số ca nhiễm tăng nhanh. Tại Bắc Giang, chỉ trong quý I, tỉnh ghi nhận hơn 200 nghìn ca nhiễm COVID-19 đã gây áp lực lớn tới công tác khám, tư vấn, điều trị bệnh của hệ thống y tế nhất là y tế cơ sở, công tác an sinh xã hội cũng như tổ chức sản xuất của doanh nghiệp, hoạt động của cơ quan, tổ chức và sinh hoạt của người dân. Nhiều doanh nghiệp, cơ quan nhà nước có đến hơn 1/2 cán bộ, công chức bị nhiễm COVID-19 vào cùng thời điểm.

Xung đột giữa Nga và Ucraina cùng chính sách chống dịch Zero COVID của nước bạn khiến giá cả một số nguyên nhiên vật liệu phục vụ cho sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của người dân tăng cao, việc vận chuyển bị hạn chế dẫn đến khan hiếm nguyên vật liệu cho sản xuất. Tình hình thời tiết có những diễn biến bất thường đã làm ảnh hưởng đến mùa vụ và chất lượng của các sản phẩm nông sản.

Đặc biệt, ảnh hưởng của dịch COVID-19 từ năm 2021 bắt đầu ngấm dần vào sức chống chịu của nền kinh tế, sản xuất của doanh nghiệp và đời sống Nhân dân; lạm phát, suy giảm kinh tế, lãi suất ngân hàng tăng cao. Nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ không có đơn hàng, phải cắt giảm lao động, cắt giảm giờ làm đã ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất doanh nghiệp và đời sống của người lao động. Tình hình thị trường bất động sản, lĩnh vực xây dựng bị chững lại.

Còn nhiều vướng mắc về cơ chế, chính sách; nhiều thủ tục, hồ sơ phải trình nhiều cấp gây mất nhiều thời gian đã tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như sự phát triển của doanh nghiệp.

Trước những khó khăn, thách thức đặt ra, để hoàn thành các mục tiêu đề ra trong năm 2022, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Bắc Giang đã rất linh hoạt, chủ động trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt, đúng thời điểm, phù hợp với thực tiễn, trọng tâm là tháo gỡ nút thắt, điểm nghẽn, tạo thuận lợi cho sự phát triển.

Để đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp trong bối cảnh quỹ đất thu hẹp, các khu công nghiệp cơ bản được lấp đầy, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng khu, cụm công nghiệp để tạo mặt bằng sạch thu hút đầu tư. Tập trung nâng cao chất lượng thu hút đầu tư, ưu tiên thu hút các dự án lớn có tính chất dẫn dắt, kết nối doanh nghiệp khác. Thường xuyên nắm bắt tình hình triển khai các dự án, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc, nhất là những vấn đề về thủ tục hành chính trong đầu tư, vay vốn, giải phóng mặt bằng, cấp phép xây dựng.

Hiện nay, có rất nhiều doanh nghiệp lớn đang có nhu cầu đến đầu tư vào tỉnh Bắc Giang. Trong năm vừa qua, tỉnh đã hoàn thành hồ sơ quy hoạch đối với 15 khu công nghiệp (KCN) trong danh mục ưu tiên thực hiện giai đoạn 2022-2025; hoàn thành phê duyệt chủ trương đầu tư thêm 02 KCN mới, 02 KCN mở rộng; đề nghị phê duyệt chủ trương đầu tư thêm 03 KCN mới, 01 KCN mở rộng; sáp nhập 02 CCN vào KCN. Đây sẽ là tiền đề để tỉnh tiếp tục đưa công nghiệp của tỉnh phát triển mạnh mẽ trong những năm tới.

Xác định cơ sở hạ tầng là khâu đột phá trong phát triển, tỉnh tập trung cao, dành nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng, nhanh chóng cải thiện cơ sở hạ tầng đồng bộ. Đặc biệt hạ tầng giao thông tiếp tục có sự chuyển biến rõ nét, nhiều trục giao thông quan trọng được khởi công mới như: Dự án xây dựng cầu Như Nguyệt, dự án xây dựng cầu Đồng Việt, dự án Xây dựng cầu và đường dẫn nối cảng Mỹ An - QL31 - QL1 và tuyến nhánh hồ Suối Nứa - Khuôn Thần... Qua đó tăng cường sự kết nối với các địa phương trong và ngoài tỉnh, mở ra không gian phát triển, thúc đẩy phát triển KT-XH các địa phương.

Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất nông nghiệp, UBND tỉnh tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ hướng tới nông nghiệp sạch, giá trị cao, gắn với các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ để thúc đẩy sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập cho người dân; chủ động, linh hoạt triển khai các biện pháp đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm, mở rộng thị trường hỗ trợ Nhân dân tiêu thụ nông sản thuận lợi. Một số hoạt động nổi bật đã được tổ chức thành công như: Chuỗi các sự kiện xúc tiến tiêu thụ vải thiều và các nông sản chủ lực, đặc trưng của tỉnh Bắc Giang năm 2022 tại thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, EU, UAE, Úc…; tổ chức Hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ vải thiều với gần 80 điểm cầu trong nước và quốc tế, kết nối trực tuyến 7 quốc gia trên thế giới; Hội nghị xúc tiến tiêu thụ gà đồi, các sản phẩm nông, lâm nghiệp và các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp huyện Yên Thế…

Các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa, xã hội cũng được quan tâm chỉ đạo, ứng biến linh hoạt để thích nghi với bối cảnh dịch bệnh. Tỉnh đẩy mạnh tiêm chủng, nhanh chóng bao phủ vắc-xin phòng COVID-19 giúp sản xuất, kinh doanh không bị đình trệ. Các hoạt động giáo dục cũng diễn ra bình thường, thích ứng linh hoạt với bối cảnh dịch bệnh. Bắc Giang là địa phương đi đầu trong cả nước về chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện hiệu quả các hình thức dạy học trực tiếp, trực tuyến hoặc trực tiếp kết hợp trực tuyến. Kết quả thi học sinh giỏi năm vừa qua, tỉnh Bắc Giang xếp thứ 8 toàn quốc với 66 giải, cao nhất từ khi tái thành lập tỉnh. Tỉnh đã đăng cai tổ chức thành công môn cầu lông SEA Games 31 tại Bắc Giang, qua đó đã để lại ấn tượng tốt đẹp với bạn bè trong và ngoài nước về một Bắc Giang an toàn, thân thiện, mến khách.

Có thể nói, trải qua những khó khăn trong năm vừa qua, tỉnh phải đối mặt với áp lực công việc lớn, thế nhưng chính từ những khó khăn đó, tỉnh đã đúc rút, trau dồi được nhiều kinh nghiệm, bài học quý báu và sự sáng tạo trong xử lý công việc, nhiệm vụ để thích ứng với môi trường mới, hoàn cảnh mới. Qua đó, kết quả đạt được năm 2022 của tỉnh rất đáng phấn khởi: 17/18 chỉ tiêu KT-XH đã đạt và vượt kế hoạch đề ra, quy mô nền kinh tế vươn lên vị trí thứ 13 cả nước và đứng đầu vùng Trung du miền núi phía Bắc, vượt mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 19 đã đề ra đến năm 2025. Tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP đạt 19,3%, đứng thứ 2 cả nước. Nhiều chỉ tiêu quan trọng đều thuộc nhóm đứng đầu cả nước.

Năm 2023 là năm có ý nghĩa rất quan trọng, năm “bản lề” tạo ra những chuyển biến thực chất trong thực hiện các mục tiêu phát triển KT-XH giai đoạn 2021-2025 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 19 đề ra. Do đó, tỉnh Bắc Giang kỳ vọng và đặt những mục tiêu lớn hơn để bứt phá mạnh mẽ trong năm 2023. Đặt ra mục tiêu tăng trưởng 14,5% năm 2023 là một mục tiêu khó và đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn mới có thể hoàn thành.

Tuy nhiên, tỉnh Bắc Giang có cơ sở, nền tảng vững chắc để tin tưởng rằng có thể hoàn thành mục tiêu đó. Thành quả chống dịch to lớn của Bắc Giang trong năm 2021 khi là đỉnh dịch của cả nước và khôi phục toàn diện KT-XH năm 2022 đã giúp hình ảnh và vị thế của tỉnh ngày càng được khẳng định, sức hút của Bắc Giang với các nhà đầu tư tăng mạnh; là điểm đến hấp dẫn, triển vọng đối với các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Sự tin tưởng, đoàn kết, đồng lòng của Nhân dân vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp; Quy hoạch tỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mở ra cánh cửa quan trọng khơi thông các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; cơ sở hạ tầng dần được đầu tư hoàn thiện, tiếp nối đà tăng trưởng trong những năm qua... sẽ tạo ra những thuận lợi cho phát triển KT-XH của tỉnh trong năm tới.

Để hoàn thành các mục tiêu đề ra, trong năm 2023, tỉnh Bắc Giang tập trung vào những nhiệm vụ, giải pháp sau:

Thứ nhất, đổi mới tư duy trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, đặc biệt là tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc của chính quyền các cấp gắn với giao nhiệm vụ trọng tâm cụ thể cho người đứng đầu các sở, ngành, địa phương; tạo chuyển biến rõ nét trên các lĩnh vực, khơi thông điểm nghẽn, tạo động lực cho phát triển.

Thứ hai, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp để tạo quỹ đất sạch, thúc đẩy thu hút đầu tư. Xử lý kịp thời những vướng mắc, bất cập, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, công khai, minh bạch; khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thu hút đầu tư. Tăng cường kiểm tra xử lý nghiêm các vi phạm trong công tác đầu tư; kiên quyết xử lý đối với những nhà đầu tư cố tình không thực hiện theo quy hoạch, xử lý thu hồi các dự án không triển khai.
Quan tâm tháo gỡ những khó khăn về thủ tục, cơ chế, chính sách trên cơ sở căn cứ quy định của pháp luật nhằm tạo môi trường sản xuất kinh doanh thuận lợi, thông thoáng, hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp hoạt động.

Thứ ba, chú trọng đầu tư đồng bộ hạ tầng giao thông, công nghiệp, đô thị. Trong đó ưu tiên đầu tư xây dựng các tuyến đường giao thông mang tính kết nối, mở rộng không gian mới để phát triển; tăng cường kết nối với các tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Hà Nội, Quảng Ninh và các tuyến đường kết nối các địa phương trong tỉnh. Những dự án giao thông mang tính kết nối trong và ngoài tỉnh đã và đang được triển khai tới đây sẽ là động lực mạnh mẽ cho sự phát triển KT-XH của tỉnh.

Thứ tư, đẩy mạnh thu ngân sách nhà nước; triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp quản lý thuế, theo dõi chặt chẽ tiến độ thu theo từng sắc thuế, địa bàn, khu vực thu; xử lý, giảm tỷ lệ và mức nợ đọng xây dựng cơ bản, không để phát sinh nợ đọng mới. Tăng cường kỷ luật tài chính - ngân sách nhà nước, triệt để tiết kiệm chi; thận trọng, chặt chẽ cân đối các nhiệm vụ chi phù hợp với khả năng của từng địa phương. Tập trung cao giải ngân vốn đầu tư công, vốn 3 chương trình mục tiêu quốc gia.

Thứ năm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Hiện nay, doanh nghiệp có nhu cầu lớn về lao động, nhất là lao động kỹ thuật, có tay nghề. Do đó, thời gian tới, tỉnh tiếp tục tập trung đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn lao động tham gia sản xuất công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch, dịch vụ; đảm bảo về số lượng và chất lượng, có kỹ năng nghề, có bằng cấp, chứng chỉ. Tăng cường chỉ đạo sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành đối với công tác đào tạo nghề. Thúc đẩy hoạt động đào tạo nghề theo định hướng hợp tác, liên kết với doanh nghiệp cùng đào tạo, đáp ứng nhu cầu về lao động của doanh nghiệp.

Thứ sáu, chủ động phương án ứng phó hiệu quả với dịch COVID-19 và các dịch bệnh khác có thể xảy ra, góp phần ổn định và phát triển KT-XH. Tập trung đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực, trang thiết bị, thuốc, hóa chất, sinh phẩm, vật tư tiêu hao, phương tiện phòng hộ phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh khác, sẵn sàng đáp ứng kịp thời khi dịch bùng phát và lây lan rộng.

Thứ bảy, quản lý hiệu quả tài nguyên, khoáng sản và bảo vệ môi trường. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TU ngày 11/6/2020, Kết luận số 120-KL/TU ngày 08/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; tăng cường lãnh đạo công tác quản lý đất đai, thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng. Thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường; tập trung chỉ đạo, tạo chuyển biến mạnh mẽ việc thu gom, xử lý rác thải theo Chỉ thị số 17-CT/TU ngày 27/02/2020, Kết luận số 99-KL/TU ngày 18/5/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Tổ chức rà soát, kiểm tra, đánh giá các khu vực có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường để có giải pháp phòng ngừa, xử lý kịp thời.

Thứ tám, đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường chuyển đổi số. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu. Để đáp ứng nhu cầu phát triển hiện nay thì cần phải nâng cao năng lực hoạt động bộ máy hành chính Nhà nước theo hướng tinh gọn, hiệu quả, đồng thời ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu suất công việc, tăng cường cắt giảm các thủ tục hành chính, qua đó tạo môi trường pháp lý thông thoáng cho người dân và doanh nghiệp.

Thứ chín, đảm bảo quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội. Chỉ đạo tổ chức thành công diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh Bắc Giang, huyện Việt Yên, thành phố Bắc Giang năm 2023. Nâng cao năng lực đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm. Tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tập trung cao giải quyết dứt điểm các vụ việc công dân khiếu kiện vượt cấp ra Trung ương, các vụ việc do các cơ quan Trung ương chuyển về tỉnh; phấn đấu không để phát sinh “điểm nóng” về khiếu nại tố cáo, qua đó tại môi trường an toàn, ổn định cho sự phát triển của tỉnh.

Thứ mười, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại; phát huy các phong trào thi đua yêu nước; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tạo đồng thuận trong xã hội. Tập trung triển khai Đề án đẩy mạnh hợp tác quốc tế cấp địa phương của tỉnh Bắc Giang với các địa phương nước ngoài giai đoạn 2021-2025 để khai thác hiệu quả hợp tác cấp độ địa phương với các đối tác, doanh nghiệp nước ngoài, qua đó mở rộng thị trường, tranh thủ các nguồn lực về vốn, công nghệ, kỹ năng quản lý phục vụ yêu cầu hội nhập và phát triển KT-XH của tỉnh. Đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước thiết thực, hiệu quả trên các ngành, lĩnh vực gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao. Nâng cao hiệu quả công tác dân vận, thực hiện tốt dân chủ cơ sở; phát huy hơn nữa vai trò của Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể Nhân dân, tạo sự đồng thuận trong xã hội, nỗ lực phấn đấu thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH đã đề ra./.