Quy định chi tiết về tổ chức và quản lý hệ thống rừng đặc dụng

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa ban hành Thông tư số 78/2011/TT-BNNPTNT quy định chi tiết thi hành Nghị định số 117/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ về tổ chức và quản lý hệ thống rừng đặc dụng.
Quy hoạch rừng đặc dụng cấp tỉnh chỉ thực hiện ở địa phương có từ hai khu rừng đặc dụng trở lên
Quy hoạch rừng đặc dụng cấp tỉnh chỉ thực hiện ở địa phương có từ hai khu rừng đặc dụng trở lên

Thông tư này áp dụng đối với cơ quan nhà nước, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân trong nước; người Việt Nam định cư ở nước ngoài; tổ chức, cá nhân nước ngoài có hoạt động liên quan đến việc tổ chức và quản lý hệ thống rừng đặc dụng.

Theo đó, Ban Quản lý khu rừng đặc dụng tổ chức lập quy hoạch bảo tồn và phát triển khu rừng đặc dụng cho mỗi thời kỳ 10 năm, trong mỗi lần quy hoạch phát triển có rà soát các quy hoạch không gian, nếu cần. Với những khu rừng đặc dụng chưa có quy hoạch đến năm 2020, trong năm 2011 và 2012, các khu rừng đặc dụng xây dựng quy hoạch bảo tồn và phát triển cho giai đoạn 2011-2020. Thời hạn hoàn thành lập, phê duyệt quy hoạch chậm nhất là tháng 12/2012. Đối với những khu rừng đặc dụng chưa có Ban Quản lý, Sở NN&PTNT giao cho Chi cục Kiểm lâm tổ chức lập quy hoạch các khu rừng đặc dụng này.

Thông tư quy định, quy hoạch rừng đặc dụng cấp tỉnh chỉ thực hiện ở địa phương có từ hai khu rừng đặc dụng trở lên. Căn cứ quy hoạch rừng đặc dụng cấp tỉnh thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 8 Nghị định số 117/2010/NĐ-CP, trường hợp chưa có quy hoạch hệ thống rừng đặc dụng cả nước, thì căn cứ vào quy hoạch hoặc Chiến lược bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh và kết quả rà soát quy hoạch lại 3 loại rừng đã được duyệt. Sở NN&PTNT tổ chức lập quy hoạch rừng đặc dụng cấp tỉnh đến năm 2020. Thời hạn hoàn thành lập, phê duyệt quy hoạch chậm nhất là tháng 06/2013.

Khu rừng đặc dụng bao gồm các phân khu chức năng như: Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt; phân khu phục hồi sinh thái; phân khu dịch vụ - hành chính. Các phân khu chức năng của khu rừng đặc dụng này có thể được quy hoạch ở các vị trí khác nhau trong khu rừng đặc dụng. Việc điều chỉnh quy hoạch từng phân khu chức năng dựa trên đặc điểm, thực trạng diễn biến của rừng và mục đích quản lý, sử dụng rừng và được thực hiện sau mỗi kỳ quy hoạch hoặc sau mỗi lần rà soát diện tích các loại rừng theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.

Nguyên tắc sử dụng bền vững tài nguyên rừng đặc dụng đảm bảo các mục tiêu bảo tồn và phát triển bền vững đối với tài nguyên thiên nhiên, giá trị đa dạng sinh học, cảnh quan, môi trường và các chức năng khác của khu rừng đặc dụng.

Thông tư nêu rõ: UBND cấp tỉnh quản lý nhà nước các khu rừng đặc dụng trên địa bàn, trực tiếp quản lý các Vườn quốc gia và phân cấp cho Sở NN&PTNT trực tiếp quản lý các khu rừng đặc dụng khác thuộc địa phương. Chủ tịch UBND cấp tỉnh bổ nhiệm, miễn nhiệm các chức danh Giám đốc đồng thời là Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm và Phó giám đốc của các khu rừng đặc dụng thuộc địa phương quản lý.

Bên cạnh đó, Thông tư cũng quy định chi tiết việc điều chỉnh khu rừng đặc dụng;  sử dụng bền vững tài nguyên; dịch vụ môi trường rừng; hoạt động du lịch sinh thái; tổ chức, quản lý rừng đặc dụng; việc thành lập Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật; kế hoạch hoạt động trong khu rừng đặc dụng; việc rà soát, phân loại khu rừng đặc dụng; tuyên truyền, nâng cao nhận thức pháp luật; thiết lập hệ thống thông tin, lưu trữ và cơ sở dữ liệu quản lý rừng đặc dụng.

Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký. Các quy định trước đây của Bộ NN&PTNT trái với quy định tại Thông tư này đều bãi bỏ.

* Xem chi tiết Thông tư số 78/2011/TT-BNNPTNT tại đây./.

Trung bình (0 Bình chọn)