Năm 2024 cắt giảm, tiết kiệm 5% ngay từ đầu năm dự toán chi thường xuyên

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Đó là một trong những nội dung Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện theo tinh thần Chỉ thị số 01/CT-TTg về tăng cường tiết kiệm chi ngân sách nhà nước.

Chỉ thị nêu rõ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương (sau đây gọi chung là bộ, cơ quan trung ương), Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là địa phương) tập trung thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng, hoàn thiện thể chế và tăng cường tiết kiệm chi thường xuyên; đẩy mạnh cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước, giảm dần tỷ trọng chi thường xuyên gắn với đổi mới cơ chế phân bổ chi thường xuyên, bảo đảm chi cho con người, an sinh xã hội, y tế, môi trường, quốc phòng, an ninh và các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ... theo quy định của pháp luật. Trong đó, năm 2024 cắt giảm, tiết kiệm 5% ngay từ đầu năm dự toán chi thường xuyên so với dự toán được giao để tăng cho đầu tư cho hạ tầng chiến lược, y tế, giáo dục, biến đổi khí hậu và an sinh xã hội.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương, địa phương tập trung thực hiện rà soát, đánh giá, tổng kết và khẩn trương nghiên cứu, đề xuất các cấp có thẩm quyền sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản pháp luật có liên quan theo quy định tại Nghị quyết số 23/2021/QH15 ngày 28 tháng 7 năm 2021 của Quốc hội về kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025 và Đề án "Đổi mới cơ chế phân cấp quản lý, phân bổ ngân sách nhà nước để bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương và chủ động của ngân sách địa phương, các cơ quan, đơn vị có liên quan" để tổ chức thực hiện kịp thời, hiệu quả.

Ảnh minh họa

Tập trung nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2013 và các luật, văn bản pháp luật có liên quan, khắc phục tình trạng chồng chéo, bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tiếp tục rà soát, xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về chi ngân sách nhà nước, cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập, quản lý sử dụng tài sản công theo chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội, Chính phủ.

Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Giao thông vận tải theo chức năng nhiệm vụ, thẩm quyền được giao tiếp tục rà soát, hoàn thiện, ban hành định mức, đơn giá phù hợp; chỉ đạo quản lý đầu tư công chặt chẽ, tiết kiệm chi ngay từ khâu lập, thẩm định, phê duyệt dự án và thiết kế, dự toán xây dựng công trình.

Các bộ, cơ quan trung ương, địa phương tiếp tục rà soát trình cấp có thẩm quyền ban hành đầy đủ các quy định, hướng dẫn triển khai thực hiện cơ chế tự chủ tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ. Thực hiện nghiêm các nhiệm vụ theo quy định tại Điều 4 Nghị quyết số 74/2022/QH15 của Quốc hội về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương, địa phương tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước theo hướng bền vững, giảm tỷ trọng chi thường xuyên; tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển, chi trả nợ trong tổng chi ngân sách nhà nước và giảm bội chi ngân sách nhà nước theo quy định tại Nghị quyết số 23/2021/QH15 của Quốc hội; bảo đảm giai đoạn 2021 - 2026, tỷ trọng chi thường xuyên bình quân khoảng 62 - 63% tổng chi ngân sách nhà nước, phấn đấu giảm tỷ trọng chi thường xuyên xuống khoảng dưới 60%.

Tổng hợp, lập, trình cấp có thẩm quyền quyết định dự toán chi ngân sách nhà nước hằng năm, phương án xử lý bù giảm thu cho các địa phương (nếu có) theo khả năng cân đối của ngân sách trung ương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, các văn bản pháp luật có liên quan và các văn bản hướng dẫn, bảo đảm chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, hướng tới cân đối ngân sách nhà nước hằng năm và trong trung hạn.

Điều hành dự toán chi ngân sách nhà nước chủ động, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, rà soát, cắt giảm các nhiệm vụ chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai,… dành nguồn lực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, thực hiện các nhiệm vụ chi an sinh xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng và cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW và Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương khóa XII...

Xem chi tiết Văn bản tại đây./.

Trung bình (0 Bình chọn)