Các nội dung trọng tâm, ưu tiên thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia năm 2025

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Để triển khai, thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp khoa học và công nghệ cấp quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ vừa có hướng dẫn gửi các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề xuất nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia dự kiến thực hiện từ năm 2025 thuộc Chương trình 1322.
Hình thành các mô hình điểm về năng suất chất lượng sản phẩm, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh quốc gia (Ảnh minh họa)

Với định hướng, tập trung triển khai, thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp được giao tại Quyết định số 1322/QĐ-TTg ngày 31 tháng 8 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ, bám sát các chủ trương, định hướng và chỉ đạo có liên quan của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, góp phần nhanh chóng nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm, hàng hóa sang các thị trường quốc tế có tiềm năng.

Một trong các nội dung trọng tâm, ưu tiên thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia năm 2025 là Nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách để thúc đẩy, nâng cao năng suất quốc gia, ngành, địa phương và doanh nghiệp dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, góp phần nâng cao tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế.

Đẩy mạnh hoạt động thông tin, truyền thông về năng suất chất lượng; trong đó ưu tiên tổ chức Diễn đàn Năng suất quốc gia năm 2025 và các hội thảo tập huấn, hỗ trợ nâng cao nhận thức và kỹ năng về NSCL theo từng vùng kinh tế.

Hỗ trợ doanh nghiệp (theo vùng kinh tế, ngành kinh tế) áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng cơ bản, đặc thù để nâng cao năng suất chất lượng, góp phần phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, trong đó ưu tiên lĩnh vực giảm phát thải khí nhà kính, tái chế, năng suất xanh, kinh tế tuần hoàn,…; tiếp tục nhân rộng áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001, ISO 14001; khuyến khích áp dụng các giải pháp tích hợp, kết hợp ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Ưu tiên doanh nghiệp sản xuất sản phẩm, hàng hóa trọng điểm, chủ lực quốc gia, ngành, địa phương; hình thành các mô hình điểm về năng suất chất lượng để thúc đẩy nhân rộng.

Đào tạo nguồn nhân lực cho hoạt động nâng cao năng suất chất lượng: Đào tạo và chứng nhận chuyên gia năng suất cho các bộ ngành, địa phương và doanh nghiệp theo tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế/khu vực. Đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về năng suất chất lượng cho doanh nghiệp; tiếp tục phát triển các học phần, môn học về năng suất chất lượng và tổ chức đào tạo tại các trường đại học, cao đẳng ở các khối ngành, với yêu cầu đưa kiến thức năng suất chất lượng vào chương trình đào tạo của tối thiểu 03 trường cùng khối ngành trong khuôn khổ một (01) nhiệm vụ.

Xây dựng tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) phục vụ trực tiếp cho hoạt động nâng cao năng suất chất lượng, trong đó ưu tiên xây dựng TCVN phục vụ sản xuất thông minh, trí tuệ nhân tạo, chíp bán dẫn, sản phẩm halal, sản phẩm xanh, dịch vụ thông minh, kinh tế tuần hoàn, các sản phẩm trọng điểm quốc gia, sản phẩm thuộc chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tiêu biểu vùng miền,…; nâng cao năng lực đánh giá, chứng nhận chất lượng sản phẩm xanh, sản phẩm và dịch vụ Halal, kiểm toán carbon, giảm phát thải khí nhà kính,…

Về quy trình, thực hiện theo quy định tại Điều 8 Thông tư số 15/2022/TT-BKHCN ngày 12/10/2022 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định quản lý Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2030. Các bộ, ngành và địa phương triển khai hướng dẫn các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đề xuất nhiệm vụ trong phạm vi quản lý; thực hiện tiếp nhận, tổng hợp, lựa chọn đề xuất nhiệm vụ đáp ứng yêu cầu đặt hàng gửi về Bộ Khoa học và Công nghệ để tổ chức xác định nhiệm vụ đặt hàng theo quy định....

Xem chi tiết Văn bản tại đây./.

Thu Huệ

Trung bình (0 Bình chọn)