|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết

Đình Lỗ Hạnh thuộc thôn Lỗ, xã Đông Lỗ, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang là công trình kiến trúc độc đáo được xây dựng vào thời Mạc, năm Sùng Khang thứ 11 (1576). Đây là một trong những ngôi đình cổ nhất xứ Bắc và cũng là ngôi đình được mệnh danh là đệ nhất Kinh Bắc bởi nghệ thuật chạm khắc tinh xảo, độc đáo. Hầu hết các cấu kiện gỗ trong đình đều được các nghệ nhân xưa sử dụng để khoe trổ tài năng chạm khắc.

Lúc đầu đình Lỗ Hạnh chỉ là một tòa đại đình hình chữ "nhất", qua nhiều lần tu sửa vào các năm 1694, 1850 và năm 1910 xây thêm hậu cung bằng cách cắt mái giữa, tạo nên mặt bằng hình chữ "đinh" và hai dãy tả vu, hữu vu. Đây là ngôi đình có niên đại sớm nhất Việt Nam.

Đại đình có bố cục mặt bằng hình chữ nhật, gồm ba gian hai chái, dài 23,5m, rộng 12,5m. Vì kèo có bốn hàng cột chính và hai hàng cột hiên đỡ dưới các bẩy và kết cấu theo lối chồng rường. Cái vì nóc làm theo kiểu trụ đấu giá chiêng rất ngắn. Tấm bưng của rốn nhện vẫn còn nguyên. Trên câu đầu có xà gỗ áp sát như một rường chạy suốt. Trên các cột còn các lỗ mộng, vết tích để lắp rầm lát sàn gỗ. Các thanh rường, xà, ván nong, cốn, đều có chạm trổ tinh vi hình rồng, phượng, hoa lá, mây, thú, cá hóa rồng. Hình chim phượng chạm rất to, đuôi xòe và đứng lẫn trong các đám mây, hình hổ đang nằm, hình hươu đứng trong mây, hoặc cưỡi trên lưng là một tiên nữ đang đánh đàn.

Ngoài ra còn có hoa văn mây lửa, hoa cúc, với nhiều bố cục sống động. Đặc biệt có hai cốn thuộc gian chái bên trái có dòng chữ ghi niên đại xây dựng đình có thể đọ là : "Sùng Khang thập nhất niên lục nguyệt thất nhật tạo" (Ngày mồng bảy, tháng sáu, niên hiệu Sùng Khang thứ 1 tạo dựng) và gian chái bên phải ghi : "Tuế thứ Bính Tý mạnh xuân tạo" (Tháng giêng năm Bính Tý tạo). Trong hậu cung có bộ tranh "Bát tiên" (8 cô tiên đứng trên đài mây) gồm hai bức thuộc loại hình nghệ thuật sơn mài sớm nhất ở Việt Nam. Các bức chạm cưỡi ngựa, đấu võ, hoa sen, rồng, chim, tiên cưỡi rồng là những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc có tiếng. Tiêu biểu là bức chạm "Người chơi đàn đáy" được chạm trên khuôn gỗ hình chữ nhật có chiều dài 36 cm, rộng 24 cm. Với nghệ thuật tả thực, kết hợp với kỹ thuật chạm nổi, vê tròn, thể hiện trên chất liệu gỗ dổi có màu sáng ngà, bức chạm diễn tả một cô gái đang cầm đàn để chéo trước ngực, ngồi tựa lưng vào chú hươu đang trong tư thế quỳ phủ phục. Nhìn cây đàn, chúng ta nhận ra ngay đây là chiếc đàn đáy (thùng cộng hưởng của đàn hình thang, cần đàn dài) - một trong ba loại nhạc cụ đặc trưng của nghệ thuật hát ca trù. Nhìn chung kiến trúc đình Lỗ Hạnh trông đồ sộ mà không nặng nề nhờ các bờ cong của 4 mái tương phản với mặt sân rộng trọng điểm trung tâm của làng xã.

Đình thờ thành hoàng là Cao Sơn Đại vương và Phượng Duy Công chúa (Bà Chúa Tiên). Tương truyền, Cao Sơn là người đã giúp vua Hùng đánh giặc và đã từng đóng quân ở đây. Phượng Duy công chúa đã giúp Cao Sơn chiếc áo tàng hình và dạy dân địa phương trồng bầu.

Đình Lỗ Hạnh hiện nay còn giữ được nhiều di vật: bộ tranh gỗ phủ sơn thế kỷ 18 - 19 vẽ cảnh Bát Tiên dài 2,23 m (6.7 ft), cao 1 m (3 ft); đôi nghè gỗ thế kỷ 17 sơn son thếp vàng, tượng bà chúa Tiên Dung cùng bài vị Cao Sơn Đại Vương, thần Thành Hoàng làng.

Trong hệ thống đình ở Bắc Giang, đình Lỗ Hạnh có số tuổi cao nhất hiện nay. So với hệ thống đình cả nước, đình Lỗ Hạnh chỉ đứng sau tuổi của đình Tây Đằng- Hà Tây. Đình Lỗ Hạnh được Bộ Văn hoá Việt Nam xếp hạng di tích lịch sử văn hóa theo Quyết định 147/VH-QD ngày 24/12/1982. Hiện nay đình Lỗ Hạnh nằm tại trung tâm của 3 thôn: thôn Chúng, thôn Chằm, thôn Khoát thuộc xã Đông Lỗ, huyện Hiệp Hòa. Đình được tu sửa lần gần đây nhất là vào năm 2009-2010. Hiện nay đã hoàn thành việc trùng tu, đình Lỗ Hạnh đang mở rộng cửa đón khách thập phương tới dâng hương, vãn cảnh./.

* Một số hình ảnh về đình Lỗ Hạnh:

Đình Lỗ Hạnh xưa

Đình Lỗ Hạnh xưa

Đình Lỗ Hạnh sau khi được trùng tu

Đình Lỗ Hạnh sau khi được trùng tu

Đàn Đáy ở đình Lỗ Hạnh

Đàn Đáy ở đình Lỗ Hạnh

Đàn Đáy ở đình Lỗ Hạnh

Đàn Đáy ở đình Lỗ Hạnh
 
Trung bình (0 Bình chọn)