Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tháo gỡ “điểm nghẽn” trong triển khai Đề án 06

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Sáng 10/6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị sơ kết 01 năm thực hiện việc tháo gỡ các “điểm nghẽn” trong triển khai Đề án 06 tại Công văn 452/TTg-KSTT ngày 23/5/2023 và đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử (TMĐT), chống thất thu thuế theo Chỉ thị 18/CT-TTg ngày 30/5/2023.

Tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương - Trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số (CĐS) tỉnh chủ trì hội nghị. Cùng dự có Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Mai Sơn - Tổ trưởng Tổ công tác triển khai Đề án 06 tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh; các thành viên Tổ công tác Đề án 06 tỉnh; đại diện lãnh đạo một số sở, ngành có liên quan và các huyện, thị xã, thành phố.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang.

Theo báo cáo tại hội nghị, sau 01 năm triển khai Công văn 452/TTg-KSTT ngày 23/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ các "điểm nghẽn" trong triển khai Đề án 06/CP, nhận thức, hành động của các cấp, các ngành về CĐS nói chung, thực hiện Đề án 06 nói riêng cơ bản có sự chuyển biến tích cực. Các cấp, các ngành và địa phương nhìn nhận rõ hơn về thực trạng hạ tầng, nhân lực, dữ liệu, an ninh an toàn và yêu cầu hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu thực hiện Đề án 06. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm, chỉ đạo sát sao, quyết liệt để tháo gỡ các “điểm nghẽn” trong triển khai Đề án 06, mục tiêu là triển khai có hiệu quả, đúng tiến độ Đề án. Các Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố đã có những giải pháp cụ thể nhằm triển khai nhiệm vụ của bộ, ngành, địa phương.

Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ rõ một số nhóm vấn đề, “điểm nghẽn” trong triển khai Đề án 06 như điểm nghẽn về pháp lý, việc rà soát, sửa đổi, đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) còn chậm so với yêu cầu. Nhiều dịch vụ công trực tuyến chưa được tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Nhiều bộ, ngành và địa phương chưa hoàn thành việc kết nối Kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp bộ, cấp tỉnh với Kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên Cổng dịch vụ công quốc gia phục vụ giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công. Việc kết nối, chia sẻ, tái sử dụng dữ liệu theo hướng người dân, doanh nghiệp chỉ cung cấp thông tin 1 lần còn hạn chế; tỷ lệ số hóa, tái sử dụng hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC còn thấp…

Về công tác đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển TMĐT chống thất thu thuế, sau 01 năm, các nhiệm vụ tổng thể của Chỉ thị số 18 đã được triển khai một cách bài bản, có kế hoạch chi tiết. Nhận thức, hành động của các bộ, ngành về việc chung tay trong công tác quản lý đối với hoạt động TMĐT nói chung và quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT nói riêng có sự chuyển biến tích cực. Một số chính sách pháp luật về thuế và pháp luật có liên quan đã được sửa đổi, bổ sung đáp ứng khuôn khổ pháp lý. Từng bộ, ngành đã xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý TMĐT và bước đầu chia sẻ dữ liệu hiện có với ngành thuế để phục vụ công tác quản lý đối với hoạt động TMĐT. Đã áp dụng định danh và xác thực điện tử đối với cá nhân thực hiện đăng ký kê khai, nộp thuế; dịch vụ chữ ký số, viễn thông, tên miền; cá nhân mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng…

Từ những tác động trên, kết quả quản lý thuế đã có những chuyển biến tích cực. Nhiều cá nhân kinh doanh online tự giác đăng ký, kê khai nộp thuế. Cơ quan thuế địa phương hỗ trợ tối đa, tạo điều kiện thuận lợi, đảm bảo thực hiện 100% các thủ tục thuế bằng điện tử mà không phải trực tiếp với cơ quan thuế theo hình thức truyền thống. Ngành thuế phân loại các đối tượng có hoạt động kinh doanh TMĐT để áp dụng các giải pháp quản lý thuế phù hợp và hiệu quả. Số thu thuế từ các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh TMĐT tăng trưởng mạnh mẽ trong 03 năm: 83 nghìn tỷ đồng năm 2022, 97 nghìn tỷ đồng năm 2023, trên 50 nghìn tỷ đồng trong 5 tháng đầu năm 2024.

Tại hội nghị, đại diện các bộ, cơ quan, địa phương đã thẳng thắn trao đổi, đề xuất nhiều giải pháp để tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong triển khai Đề án 06 như công tác rà soát các văn bản quy phạm pháp luật; thúc đẩy sửa đổi, bổ sung các văn bản có liên quan lĩnh vực TMĐT; công tác bố trí vốn đầu tư công cho triển khai Đề án 06; xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công tác CĐS nói chung và triển khai Đề án 06 nói riêng; xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu chung về TMĐT nhằm tăng cường công tác quản lý thuế;…

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị bộ trưởng, trưởng ngành, thủ trưởng các cơ quan, Chủ tịch UBND các địa phương nêu cao tinh thần trách nhiệm, "đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện, đã làm, đã thực hiện là có kết quả cân đong đo đếm được", "chỉ bàn làm, không bàn lùi", tập trung chỉ đạo xử lý dứt điểm các "điểm nghẽn", tồn tại đã nêu. Khẩn trương hoàn thiện thể chế phục vụ phát triển dữ liệu về dân cư, kết nối, chia sẻ dữ liệu nói riêng và CĐS quốc gia nói chung. Các bộ ngành, địa phương chủ động, tích cực, sáng tạo theo thẩm quyền.

Đẩy mạnh đơn giản hóa, tái cấu trúc quy trình TTHC để nâng cao số lượng, chất lượng dịch vụ công cung cấp cho người dân. Bảo đảm các điều kiện cần thiết để từ ngày 01/7/2024 chuyển đổi sang sử dụng VNeID là tài khoản duy nhất trong thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công trên môi trường điện tử. Hướng dẫn các cơ sở y tế và người dân sử dụng thông tin sổ sức khỏe điện tử trên VNeID; khẩn trương đánh giá những dịch vụ công đang thí điểm hiệu quả như cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID tại Thừa Thiên Huế và Hà Nội để nhân rộng trên toàn quốc.

Các bộ, cơ quan, địa phương khẩn trương hoàn thành việc kết nối Kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp bộ, cấp tỉnh với Kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên Cổng dịch vụ công quốc gia phục vụ giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công.

Đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành của các bộ ngành, địa phương, tạo tiền đề cho phát triển, khai thác các cơ sở dữ liệu quốc gia và hình thành kho thông tin định danh số cho công dân, tổ chức trong thực hiện các TTHC. Đẩy mạnh tích hợp đồng bộ, liên thông giữa các cơ sở dữ liệu quốc gia để phát triển Chính phủ số và thúc đẩy các giao dịch thương mại trên môi trường số được thường xuyên, liên tục, an toàn.

Đẩy mạnh CĐS trong công tác quản lý thuế và thực hiện đồng bộ các giải pháp về hóa đơn điện tử, nhất là trong quản lý hoạt động TMĐT. Đẩy mạnh số hóa, làm giàu cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương; xây dựng và đưa vào vận hành cơ sở dữ liệu dùng chung về TMĐT. Quyết liệt thực hiện các giải pháp về hóa đơn điện tử, các địa phương quan tâm bố trí nguồn lực để triển khai hóa đơn điện tử trong bán lẻ trực tiếp đến người tiêu dùng. Rà soát, xử lý nghiêm các vi phạm của các cơ sở kinh doanh không xuất hóa đơn điện tử.

Các bộ, ngành, địa phương trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình chủ động rà soát, khắc phục hiệu quả các nhóm vấn đề hạn chế, tồn tại, khuyết điểm như báo cáo đã chỉ ra, có lộ trình thực hiện.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Mai Sơn phát biểu chỉ đạo sau hội nghị.

Sau hội nghị, phát biểu chỉ đạo tại điểm cầu Bắc Giang, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Mai Sơn đề nghị các sở, ngành, địa phương tiếp tục bám sát chỉ đạo của Trung ương; chủ động tham mưu ban hành các văn bản, quy định của tỉnh để triển khai các văn bản chỉ đạo của Trung ương. Tiếp tục phát huy những kết quả tích cực đã đạt được trong cung cấp dịch vụ công; bám sát chặt chẽ chỉ đạo của Trung ương, sớm đề xuất tháo gỡ ngay khi phát sinh vướng mắc, khó khăn. Tăng cường truyền thông chính sách đến người dân, doanh nghiệp.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tổ chức hội nghị tập huấn về thực hiện TTHC trực tuyến cho các doanh nghiệp và các đối tượng phù hợp như học sinh, sinh viên để giúp người thân thực hiện TTHC trực tuyến đảm bảo nhanh, gọn, tiết kiệm chi phí.

Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục triển khai tốt các nền tảng để thực hiện TTHC, đặc biệt là phần mềm hỗ trợ quản trị những chỉ tiêu, điều hành kinh tế - xã hội, ngân sách của tỉnh. Làm sạch và chuẩn hóa dữ liệu để kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia, phục vụ chuyển đổi sang sử dụng VNeID là tài khoản duy nhất trong thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công trên môi trường điện tử.

Các địa phương quan tâm bố trí nguồn lực cho bộ phận một cửa các cấp; khẩn trương cập nhật dữ liệu về tài nguyên môi trường, đất đai kết nối với cơ sở dữ liệu dân cư.

Sở Nội vụ tiếp tục hướng dẫn, tập huấn, bồi dưỡng nhân lực công nghệ thông tin phục vụ công tác CĐS. Tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án đào tạo nhân lực cho CĐS của tỉnh.

Công an tỉnh tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở đơn vị cấp dưới. Chủ động bám sát các chỉ tiêu thi đua, chỉ đạo của Trung ương để kịp thời báo cáo Trưởng Ban chỉ đạo CĐS tỉnh chỉ đạo triển khai./.

Thảo My

Trung bình (0 Bình chọn)