Giám sát thực hiện chính sách giảm nghèo giai đoạn 2011-2015: Đánh giá khách quan, đúng thực trạng

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Chiều ngày 6/11, tại Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Bắc Giang, đồng chí Bùi Văn Hạnh – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo giảm nghèo tỉnh (BCĐ) và các thành viên BCĐ giảm nghèo tỉnh đã có buổi làm việc với Ủy ban MTTQ tỉnh về kết quả giám sát thực hiện chính sách giảm nghèo giai đoạn 2011-2015.
Quang cảnh buổi làm việc.

Theo báo cáo của Ủy ban MTTQ tỉnh, hàng năm, công tác rà soát, thống kê hộ nghèo, cận nghèo, thoát nghèo được tiến hành đảm bảo dân chủ, khách quan, đúng quy trình quy định và tiến độ theo kế hoạch. Tính đến ngày 01/10/2014, toàn tỉnh giảm còn 8,88% hộ nghèo, giảm 7,24% hộ cận nghèo. Năm 2014 đã có 10.598 hộ thoát nghèo, bình quân trong cả giai đoạn mỗi năm hộ nghèo giảm 2,68%, đạt mục tiêu đề ra. Trong đó, có 9/10 huyện, thành phố hoàn thành chỉ tiêu giảm nghèo. Một số huyện hộ nghèo giảm cao là Lục Ngạn (2.366 hộ), Lục Nam (1.895 hộ), Hiệp Hòa (1.360 hộ).

Việc vận động xã hội, cộng đồng tham gia giảm nghèo thông qua nhiều tổ chức xã hội, đoàn thể, cộng đồng, cá nhân dưới nhiều hình thức đa dạng, ở nhiều lĩnh vực. Nhiều mô hình, sáng kiến, cách làm hay ở các địa phương huy động khá lớn đóng góp của xã hội như: trợ giúp khám, chữa bệnh miễn phí, mua tặng thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), hỗ trợ mổ tim cho người nghèo... Nhiều nơi dù còn khó khăn song người dân đã hiến đất làm đường, xây trường học; cộng đồng, họ hàng đóng góp, hỗ trợ kinh phí hỗ trợ người nghèo làm nhà, xây dựng công trình nước sinh hoạt, kinh doanh... để cải thiện cuộc sống và thoát nghèo.

Nhiều chính sách được quan tâm, phát huy hiệu quả tốt như: chính sách tín dụng cho hộ nghèo vay vốn sản xuất; chính sách y tế, chăm sóc sức khỏe; hỗ trợ giáo dục – đào tạo; hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo; các chính sách bảo trợ xã hội... Từ năm 2011 đến nay, toàn tỉnh có 118.783 lượt hộ nghèo được vay vốn, giúp cho hơn 25 nghìn hộ thoát nghèo. Các hoạt động khám, chữa bệnh, cấp phát thẻ BHYT được quan tâm đặc biệt với người nghèo và trẻ em. Đến nay, tỷ lệ người nghèo, người cận nghèo, người dân tộc thiểu số, đối tượng bảo hiểm xã hội, trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ BHYT đạt 100%. 5 năm qua, toàn tỉnh có gần 29 nghìn học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được miễn, giảm học phí với số tiền khoảng 74  tỷ đồng và hỗ trợ chi phí học tập cho gần 251 nghìn cháu với số tiền hơn 127 tỷ đồng.

Từ năm 2011 đến nay đã triển khai xây dựng 12 dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo thu hút 626 hộ nghèo tham gia với tổng số tiền 8.292 triệu đồng. Nhìn chung các dự án đều phát huy hiệu quả, điển hình như mô hình chăn nuôi lợn nái Móng Cái (xã Đông Phú, huyện Lục Nam), mô hình chăn nuôi gà đồi (xã Đồng Tiến, huyện Yên Thế), chăn nuôi bò sinh sản (xã Phong Minh, huyện Lục Ngạn)... Qua giám sát, các dự án đã phát huy được hiệu quả thiết thực, góp phần phát triển chăn nuôi, trồng trọt và giảm tỷ lệ hộ nghèo ở các địa phương.

Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, công tác thực hiện chính sách giảm nghèo vẫn còn bộc lộ một số hạn chế như: công tác rà soát, điều tra, xác nhận hộ nghèo, cận nghèo ở một số xã còn thiếu, chưa khoa học và vẫn có những sai sót; công tác tuyên truyền phổ biến các chủ trương đến người dân chưa sâu rộng; nội dung, hình thức chưa có nhiều đổi mới, sáng tạo; một số chính sách, dự án hỗ trợ giảm nghèo còn dàn trải, chồng chéo; kết quả giảm nghèo chưa thật sự bền vững, nguy cơ tái nghèo cao.

Tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng nguyên nhân của những mặt hạn chế là do chính sách giảm nghèo nhiều, nhỏ lẻ, không ổn định; đội ngũ cán bộ cơ sở nhất là các xã, thôn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn còn hạn chế về năng lực quản lý, tổ chức thực hiện chính sách; đại bộ phận các hộ nghèo đều mang tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự bao cấp của Nhà nước.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Bùi Văn Hạnh – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh biểu dương những cố gắng của Đoàn giám sát đã có những đánh giá khách quan, đúng thực trạng việc thực hiện chính sách giảm nghèo trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, đồng chí cũng thẳng thắn chỉ ra việc thực hiện chính sách giảm nghèo ở một số nơi vẫn còn nhiều hạn chế, đặc biệt là hoạt động của BCĐ các cấp còn thiếu sự sâu sát, chưa phân công rõ nhiệm vụ; công tác lập kế hoạch đầu tư xây dựng công trình đối với các dự án giảm nghèo còn hạn chế, thiếu chủ động, nguồn vốn phân bố dàn trải; nhiều địa phương chưa phân loại hộ nghèo theo nguyên nhân nghèo để có giải pháp hỗ trợ phù hợp. 

Đồng chí đề nghị thời gian tới, Đoàn giám sát cần cân nhắc, đánh giá việc thực hiện chính sách giảm nghèo mang tính toàn thể, rộng hơn. Bên cạnh đó, quan tâm tới các kiến nghị, đề xuất như các chính sách BHYT, nguồn vốn; thay đổi cơ chế trong chính sách hỗ trợ hộ nghèo như cơ chế cho vay; khi kiến nghị đối với Trung ương nên cân đối nguồn lực để đảm bảo những cơ chế, chính sách giảm nghèo được ban hành phù hợp với từng vùng, miền; trong kiến nghị với các ngành quan tâm xem xét kỹ hơn về trang thiết bị phục vụ ngành y tế; tiếp tục giám sát trao đổi giữa các ngành để công tác giảm nghèo đạt kết quả cao, bền vững./.

Trung bình (0 Bình chọn)