Tọa đàm “Bảo tồn, phát huy giá trị Cụm di tích Tiên Lục, xã Tiên Lục, huyện Lạng Giang gắn với phát triển du lịch"

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Chiều 20/4, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Bắc Giang phối hợp với UBND huyện Lạng Giang tổ chức tọa đàm “Bảo tồn, phát huy giá trị Cụm di tích Tiên Lục, xã Tiên Lục, huyện Lạng Giang gắn với phát triển du lịch".

Các đồng chí: PGS.TS Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia; GS.TS Nguyễn Văn Kim - Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia; Nguyễn Sĩ Cầm - Phó Giám đốc Sở VHTTDL chủ trì tọa đàm.

Các đồng chí chủ trì toạ đàm.

Cụm di tích Tiên Lục bao gồm Chùa Phúc Quang, đền Tiên Lục, đình Thuận Hòa, đình Viễn Sơn và Cây Dã hương thuộc xã Tiên Lục, huyện Lạng Giang. Đây là một quần thể công trình kiến trúc nghệ thuật nổi bật với các ngôi đình, đền, chùa, cây Dã hương cổ kính, linh thiêng, có lịch sử xây dựng từ lâu đời và được trùng tu, tôn tạo thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII - XVIII).

Bên cạnh đó, Cụm di tích Tiên Lục còn sở hữu hệ thống tượng Phật cổ và nhiều di vật, cổ vật có giá trị. Chùa Phúc Quang hiện còn bảo lưu gần 100 pho tượng Phật, trong đó phần lớn là những pho tượng Phật cổ thời Nguyễn (thế kỷ XIX - XX).

Trong lịch sử, cây Dã hương được nhắc đến từ khi cái tên “Bắc Giang” được nêu trong cuốn “Việt Sử Lược” cổ nhất của nước Việt. Từ đó, Nhân dân Tiên Lục vẫn luôn gìn giữ và bảo vệ cây Dã hương như một báu vật của quê hương. Đây là yếu tố văn hóa mang tín ngưỡng dân gian vô cùng đặc biệt duy nhất chỉ có tại tỉnh Bắc Giang cũng như Việt Nam. Cây Dã hương cổ thụ ngàn năm tuổi đã trở thành nét đẹp văn hóa, biểu tượng rất đỗi mộc mạc, thân thiết, linh thiêng trong không gian văn hóa Việt. Không những là minh chứng lịch sử văn hoá, cây Dã hương còn có giá trị khoa học, kinh tế, cũng như trong y học.

 Phó Giám đốc Sở VHTTDL Nguyễn Sĩ Cầm phát biểu tại toạ đàm.

Phát biểu mở đầu tọa đàm, Phó Giám đốc Sở VHTTDL đồng chí Nguyễn Sĩ Cầm cho biết Cụm di tích Tiên Lục có lịch sử lâu đời và được biết đến như một danh lam cổ tự nổi tiếng trong vùng. Trải qua quá trình xây dựng, trường tồn cùng với thời gian, Cụm di tích Tiên Lục luôn thể hiện vai trò là trung tâm sinh hoạt văn hóa tâm linh của Nhân dân ở miền Bắc Việt Nam.

Tọa đàm “Bảo tồn, phát huy giá trị Cụm di tích Tiên Lục, xã Tiên Lục, huyện Lạng Giang gắn với phát triển du lịch" nhằm bổ sung thông tin, tư liệu, làm rõ hơn những giá trị lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu của Cụm di tích Tiên Lục, huyện Lạng Giang; đánh giá thực trạng công tác bảo tồn, phát huy giá trị Cụm di tích; định hướng nhiệm vụ, giải pháp công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích thời gian tới.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu tập trung thảo luận một số nội dung như: tên gọi phù hợp nhất của cụm di tích; điểm đặc biệt của cụm di tích để được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt; mối quan hệ giữa cây Dã hương và các di tích trong cụm di tích; xác định chính xác niên đại, bổ sung tư liệu khoa học của cây Dã hương cũng như giá trị về mặt khoa học của cây; phát triển, bổ sung các lễ hội, nghi lễ, tín ngưỡng vào cụm di tích; làm rõ mối quan hệ, liên kết giữa các di tích trong cụm di tích; phương án tôn tạo cảnh quan tại các di tích; bổ sung tư liệu về lịch sử, văn hóa, điều kiện tự nhiên về xã Tiên Lục nói riêng và về huyện Lạng Giang nói chung...

GS.TS Nguyễn Văn Kim - Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia phát biểu tại tọa đàm.

GS.TS Nguyễn Văn Kim - Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia đề nghị nêu rõ trong hồ sơ yếu tố thuần Việt được thể hiện ở khía cạnh, phương diện nào của quần thể di tích. Cùng với việc làm rõ mối liên kết giữa các di tích trong quần thể di tích, GS.TS Nguyễn Văn Kim đề nghị các đơn vị cần tạo sự gắn kết chặt chẽ hơn nữa giữa các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, từ đó làm nổi bật lên giá trị chung của quần thể di tích .

PGS.TS Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia cho rằng cần xác định tín ngưỡng thờ thần cây là nét đặc sắc của cụm di tích. Từ đó, xây dựng các thiết chế văn hóa để thực hành tín ngưỡng và các lễ hội để kết nối cộng đồng.

PGS.TS Đặng Văn Bài đề nghị Sở VHTTDL và huyện Lạng Giang tăng cường công tác tuyên truyền đến người dân, nâng cao nhận thức cộng đồng về giá trị của di tích; thường xuyên dọn dẹp sạch sẽ, mang lại sức sống cho di tích. Đồng thời cần quan tâm xây dựng các dịch vụ văn hóa để các di sản trong quần thể di tích trở nên sống động, góp phần hoàn thiện hồ sơ.

Phát biểu tại tọa đàm, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Nguyễn Sĩ Cầm nghiêm túc tiếp thu các ý kiến đóng góp của các GS, TS, nhà khoa học và các đại biểu. Đồng chí giao Bảo tàng tỉnh phối hợp với huyện Lạng Giang và các đơn vị liên quan nghiên cứu bổ sung, chỉnh sửa hồ sơ khoa học.

Thay mặt lãnh đạo Sở VHTTDL, đồng chí Nguyễn Sĩ Cầm mong các GS, TS, nhà khoa học tiếp tục quan tâm, giúp đỡ tỉnh Bắc Giang hoàn thiện hồ sơ khoa học của Cụm di tích Tiên Lục để đề nghị Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt./.

Trần Khiêm

Trung bình (0 Bình chọn)