9. Vài nét khái quát về Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư - một trong những tác phẩm đầu tiên đề cập đến chủ quyền của Việc Nam ở Hoàng Sa, Trường sa?

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Cuốn sách Toản tập Thiên Năm tứ chí lộ đồ thư gồm 4 quyển, có một số bản đồ với những hàng chữ chú giải, do nho sinh họ Đỗ Bá, tên tự là Đạo Phủ (thường được gọi là Đỗ Bá Công Đạo) sưu tầm, biên soạn vào khoảng năm 1630 đến 1653, đã xác nhận rằng Chúa Nguyễn lập đội Hoàng Sa để quản lý và khai thác quần đảo Hoàng Sa từ thế kỷ XVII.

Trong Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư (quyển l) có đề cập đến Hoàng Sa như sau: "Ở làng Kim Hồ, trên hai bên bờ sông, có hai ngọn núi, mỗi ngọn đều có mỏ vàng được khai thác dưới sự kiểm soát của chính phủ. Ở giữa biển, có một quần đảo dài 400 lý và rộng 200 lý có tên là "Bãi Cát Vàng" nhô lên từ đáy biển hướng về phía duyên hải giữa hai cảng Đại Chiêm và Sa Vinh. Vào mùa mưa tây nam, các thương thuyền từ các quốc gia khác nhau qua lại gần bờ thường bị đắm ở các khu vực quần đảo này. Điều tương tự cũng xảy ra trong mùa mưa đông - bắc cho các thương thuyền qua lại trên vùng biển. Tất cả mọi người trên tàu bị đắm ở khu vực này thường bị chết đói. Nhiều loại thương thuyền khác nhau bị đắm trôi dạt vào đảo này. Mỗi năm trong suốt tháng cuối cùng của mùa đông, các Chúa nhà Nguyễn thường phái đến các đảo này một hạm đội gồm 18 tàu buồm để với các chiếc tàu đắm. Họ thu được rất nhiều vàng, bạc, tiền đúc, súng ống và đạn dược. Từ cảng Đại Chiêm phải mất một ngày rưỡi để đến quần đảo này, trong khi chỉ mất có một ngày nếu khởi đi từ Sa Kỳ".

Mặc dù sự mô tả địa lý trong tác phẩm chưa thật chính xác so với thực tế nhưng cũng cho thấy rõ ràng Nhà nước Việt Nam thời xưa đã chiếm hữu, chính thức khai thác "Bãi cát vàng" (quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa). Như vậy là, Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư do Đỗ Bá Công Đạo sưu tập, soạn vẽ và chính thức hoàn thành theo lệnh của chúa Trịnh những năm niên hiệu Chính Hòa (1680 -1705) có thể coi là văn kiện của nhà nước, một tài liệu chính thức của quốc gia. Những thông tin thể hiện trong bộ "đồ thư" này cho thấy rõ ràng cương giới xứ Đàng Trong do chúa Nguyễn quản lý từ cuối thế kỷ XVI đã mở rộng ra khu vực các quần đảo ở giữa Biển Đông. Tên gọi nôm na mà nhân dân xứ Đàng Trong đặt cho hai quần đảo san hô là "Bãi cát vàng", rồi chuyển sang âm Hán Việt là "Hoàng Sa", "Hoàng Sa chử" để sử dụng chính thức trong các văn kiện, tài liệu của triều đình thời Lê và Nguyễn, như trong Đại Nam thực lục, Đại Nam nhất thống chí, Đại Nam nhất thống toàn đồ, tên gọi này được dùng để chỉ chung cả hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa ngày nay.

Theo "100 câu hỏi - đáp về biển, đảo dành cho tuổi trẻ Việt Nam" (Nxb Thông tin và Truyền thông - 2013)

Trung bình (0 Bình chọn)