24. Lập trường của Việt Nam trong giải quyết các vấn đề tranh chấp trên Biển Đông?

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Giải quyết các vấn đề tranh chấp trên Biển Đông là một quá trình lâu dài, khó khăn, phức tạp vì liên quan đến nhiều nước, nhiều bên. Giữ vững chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ và duy trì hoà bình ổn định ở Biển Đông là những vấn đề mang tính toàn cục. Giải quyết tranh chấp và xử lý các vấn đề nảy sinh ở Biển Đông cần được đặt trong tổng thể chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, trong chính sách đối ngoại hoà bình, độc lập tự chủ, đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ của ta với các nước.

Chủ trương của Việt Nam giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông thông qua biện pháp hoà bình trên tinh thần hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Đối với các vấn đề liên quan đến hai nước Việt Nam - Trung Quốc (cửa Vịnh Bắc Bộ, Hoàng Sa) thì giải quyết song phương, vấn đề nào liên quan đến các bên khác (Trường Sa), liên quan đến tự do hàng hải thì cần có sự bàn bạc của các bên liên quan. Nếu các bên không giải quyết được bằng cơ chế đàm phán thì cần phải giải quyết bằng các phương thức khác như trung gian hòa giải hoặc bằng các cơ chế tài phán quốc tế như Tòa án Công lý Quốc tế, Tòa án Quốc tế về Luật Biển và các tòa trọng tài. Trong khi chờ một giải pháp cơ bản lâu dài cho vấn đề Biển Đông, các bên liên quan cần nghiêm chỉnh thực hiện DOC; nỗ lực duy trì hòa bình, ổn định trên cơ sở giữ nguyên trạng, không làm phức tạp hóa tình hình, không có hành động vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.

Việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải ở Biển Đông là mối quan tâm chung của các nước trong và ngoài khu vực. Việt Nam hoan nghênh nỗ lực và đóng góp của tất cả các nước trong và ngoài khu vực vào việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông. Trên tinh thần đó, Việt Nam hoan nghênh và đánh giá cao việc cộng đồng quốc tế có những đóng góp xây dựng nhằm bảo vệ an ninh, an toàn hàng hải và duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực Biển Đông; phản đối sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử đụng vũ lực, ủng hộ việc các bên liên quan giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hoà bình trên cơ sở luật pháp và thực tiễn quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982, tôn trọng quyền của các quốc gia ven biển đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa phù hợp với luật pháp quốc tế, triển khai thực hiện đầy đủ và có hiệu quả DOC và khuyến khích các bên xây dựng COC.

Về đề nghị "gác tranh chấp, cùng khai thác" của Trung Quốc, Việt Nam không phản đối. Việc áp dụng giải pháp tạm thời theo quy định của Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 có trước khi các bên đàm phán để thống nhất được một ranh giới biển cho những vùng chồng lấn được hình thành bởi các yêu sách do các bên đưa ra theo các tiêu chuẩn của Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Tuy nhiên, Việt Nam không chấp nhận "đường lưỡi bò" phi lý của Trung Quốc là đường yêu sách để tạo thành vùng chồng lấn với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Do vậy, không thể "cùng phát triển" trong khu vực được tạo bởi "đường lưỡi bò" lấn sâu vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Việt Nam khẳng định sẽ tiếp tục khai thác và bảo vệ các lợi ích kinh tế trong vùng đặc quyền kinh tế của mình, trong đó có các hoạt động của các công ty dầu khí. Việt Nam hoan nghênh và cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty nước ngoài có thực lực và kinh nghiệm tiến hành hợp tác thăm dò, khai thác tài nguyên dầu khí trong thềm lục địa Việt Nam.

Theo "100 câu hỏi - đáp về biển, đảo dành cho tuổi trẻ Việt Nam" (Nxb Thông tin và Truyền thông - 2013)

Trung bình (0 Bình chọn)