18. Khái niệm và chế độ pháp lý của vùng biển quốc tế (Biển cả)?

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Điều 3 Luật Biển Việt Nam về giải thích từ ngữ có quy định "Vùng biển quốc tế là tất cả các vùng biển nằm ngoài vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và các quốc gia khác, nhưng không bao gồm đáy biển và lòng đất dưới đáy biển".

Tuy nhiên, trong Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 không có khái niệm "vùng biển quốc tế" mà chỉ có khái niệm "Biển cả" được quy định chi tiết tại phần VII của Công ước. Điều 86 của Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 quy định biển cả là "tất cả những vùng biển không nằm trong vùng đặc quyền kinh tế, lãnh hải hay nội thủy của quốc gia cũng như không nằm trong vùng nước quần đảo của một quốc gia quần đảo". Do vậy, thuật ngữ "vùng biển quốc tế" (theo Luật biển Việt Nam) hay "biển cả" (theo Công ước) chỉ là một và được áp dụng đối với cột nước bên trên đáy và lòng đất đáy đại dương.

Chế độ pháp lý của vùng biển quốc tế (biển cả) là tự do biển cả, nghĩa là tất cả các quốc gia, dù có biển hay không có biển, đều được phép sử dụng vùng biển quốc tế. Quyền tự do trên biển (điều 87 của Công ước) bao gồm: Tự do hàng hải; tự do hàng không; tự do đặt các dây cáp hoặc ống dẫn ngầm với điều kiện tuân thủ phần VI (về thềm lục địa); tự do xây dựng các đảo nhân tạo hoặc các thiết bị khác được pháp luật quốc tế cho phép, với điều kiện tuân thủ phần VI (về thềm lục địa); tự do đánh bắt hải sản; tự do nghiên cứu khoa học với điều kiện tuân thủ các phần VI (về thềm lục địa) và VIII (chế độ các đảo).

Công ước cũng lưu ý mỗi quốc gia khi thực hiện các quyền tự do biển cả phải tính đến lợi ích của việc thực hiện quyền tự do trên vùng biển quốc tế của các quốc gia khác (khoản 2 điều 87).

Theo "100 câu hỏi - đáp về biển, đảo dành cho tuổi trẻ Việt Nam" (Nxb Thông tin và Truyền thông - 2013)

Trung bình (0 Bình chọn)