12. Vài nét về hệ thống cảnh báo sóng thần Việt Nam?

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Về gốc gác, thuật ngữ "sóng thần" xuất phát từ tiếng Nhật tsunami để chỉ các đợt sóng tạo nên khi một thể tích lớn của nước đại dương bị chuyển dịch "ngang" chớp nhoáng trên một quy mô lớn. Thuật ngữ này do các ngư dân đặt ra dù lúc đó họ không biết nguyên do là sóng xuất phát ở ngoài xa khơi.

Cơn sóng thần khởi phát từ dưới đáy biển sâu chủ yếu do ảnh hưởng của động đất và các dịch chuyển địa chất lớn (núi lửa phun, va chạm các mảng vỏ đại dương, tách dãn đáy đại dương,...) mà các nhà khoa học gọi là "hải chấn". Khi còn ở ngoài xa khơi, chiều cao sóng khá nhỏ và chiều dài sóng lại rất lớn, đến hàng trăm kilômét. Vì vậy, khi ở xa bờ biển, đi trên tàu người ta cũng khó nhận diện ra nó, mà chỉ cảm nhận như một "cơn sóng cồn" trải dài với các rung lắc nhẹ. Sóng thần diễn biến rất khác biệt, chứa năng lượng cực lớn, lan truyền với tốc độ cao và có thể vượt khoảng cách lớn qua đại dương mà chỉ mất rất ít năng lượng. Một trận sóng thần có thể gây ra thiệt hại trên bờ biển cách hàng nghìn cây số nơi nó phát sinh, vì thế chúng ta vẫn có thể có thời gian chuẩn bị từ khi nó hình thành tới lúc ập vào một khu vực bờ biển nào đó. Cho nên, vẫn có thể dự báo và cảnh báo thời gian và sức mạnh của nó từ nơi xảy ra cho đến những khu bờ biển bị tấn công.

Tại khu vực Thái Bình Dương, hệ thống cảnh báo sóng thần quốc tế gồm hai trung tâm đầu não là: Trung tâm cảnh báo sóng thần Thái Bình Dương của Mỹ (đặt tại đảo Hawaii) và Trung tâm tư vấn sóng thần Tây Bắc Thái Bình Dương của Cục Khí tượng - Thủy văn Nhật Bản. Việt Nam và các nước Đông Nam Á thuộc ven bờ Tây Thái Bình Dương chưa có đủ điều kiện trang thiết bị và năng lực quan trắc và phát hiện sóng thần từ giữa Thái Bình Dương, nên phải khai thác, sử dụng thông tin trực tiếp từ các trung tâm đầu não nói trên.

Từ bài học của các nước chịu thảm họa sóng thần Sumatra năm 2004, Chính phủ Việt Nam đã tập trung chỉ đạo việc ứng phó với thảm họa này nếu xảy ra. Ngày 06/11/2006, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quy chế về báo tin động đất và cảnh báo sóng thần, và sau đó ngày 29/5/2007 lại tiếp tục ban hành Quy chế về phòng chống động đất sóng thần. Ngày 04/9/2007, Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần thuộc Viện Vật lý Địa cầu, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam được thành lập là cơ quan duy nhất đến nay được Chính phủ giao trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ này. Ngay sau đó Trung tâm đã trở thành thành viên chính thức của hệ thống cảnh báo sóng thần khu vực và quốc tế. Trung tâm làm việc theo chế độ trực ca 24/24 để đảm bảo phát hiện kịp thời các hiểm họa động đất - sóng thần. Các công cụ xử lý số liệu tự động cho phép định vị động đất chỉ sau 3-5 phút sau khi động đất xảy ra. Theo Quy chế của Chính phủ, tất cả các trận động đất xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam với độ lớn từ 3,5 độ Richte trở lên, Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần Việt Nam phải thông báo cho các cơ quan quốc gia có chức năng truyền thông và ứng phó nhanh nhất để phối hợp hành động, đầu tiên là: Đài Truyền hình và Đài Tiếng nói Việt Nam, Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương và Ủy ban Quốc gia tìm kiếm và Cứu nạn. Ngoài ra, các cơ quan được cấp tin động đất, sóng thần là: Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thông tấn xã Việt Nam, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Công ty Thông tin điện tử hàng hải Việt Nam, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam và Website Chính phủ.

Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần Việt Nam đã được "thử sức" qua đợt động đất - sóng thần xảy ra ở Nhật Bản năm 2011: sóng địa chấn từ trận động đất mạnh xảy ra tại Nhật Bản đã được Việt Nam phát hiện chỉ sau 2-3 phút với các thông số được xác định như độ lớn, tọa độ chấn tâm và độ sâu chấn tiêu. Một số trận động đất khác ở Nhật Bản và Việt Nam gần đây cũng đã được Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần Việt Nam ghi nhận và cung cấp với sai số chỉ khoảng 0,1 so với thông tin của Trung tâm Số liệu động đất Hoa Kỳ.

Cùng với sự trưởng thành nhanh chóng của hệ thống cảnh báo sóng thần của Việt Nam, Chính phủ vẫn cần tiếp tục đầu tư mở rộng và hiện đại hóa hệ thống các trạm địa phương, trạm quan trắc mực nước biển ven bờ và Mạng lưới báo tin - cảnh báo và ứng phó với động đất - sóng thần quốc gia. Phấn đấu xây dựng hoàn thiện một hệ thống cảnh báo động đất sóng thần quốc gia đồng bộ và đạt đẳng cấp khu vực và quốc tế trong tương lai gần.

Theo "100 câu hỏi - đáp về biển, đảo dành cho tuổi trẻ Việt Nam" (Nxb Thông tin và Truyền thông - 2013)

Trung bình (0 Bình chọn)